null “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở” nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

“Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở” nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn

Công đoàn cơ sở (CĐCS) là cấp cơ bản cuối cùng trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, CĐCS có vị trí hết sức quan trọng, được đánh giá là nền tảng của tổ chức Công đoàn Việt Nam; nơi trực tiếp tập hợp, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Có thể nói, kết quả hoạt động của các CĐCS quyết định sự vững mạnh của cả hệ thống Công đoàn.

Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp đã tập trung lãnh đạo các cấp công đoàn đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS theo Nghị quyết 6a/NQ-TLĐ, ngày 06/11/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa X và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa IX. Hoạt động công đoàn các cấp đã ngày càng đi vào thực chất, có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, phát huy tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp, chính đáng của đoàn viên, người lao động tại cơ sở. Qua đánh giá xếp loại CĐCS bình quân nửa nhiệm kỳ 2018-2023 có 97% CĐCS khu vực nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ, 59% CĐCS khu vực ngoài nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ; 95% cán bộ công đoàn không chuyên trách được bồi dưỡng tập huấn; có 100% CĐCS cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, 85% CĐCS doanh nghiệp hội nghị người lao động và ký kết thoả ước lao động tập thể.

LĐLĐ Tỉnh tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cùng đoàn viên, người lao động

Tuy nhiên, hoạt động công đoàn hiện nay vẫn chưa theo kịp với đòi hỏi nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông đoàn viên, người lao động; hoạt động còn dàn trải, chưa tập trung hướng đến nhiệm vụ cốt lõi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; vị trí, vai trò, tiếng nói của CĐCS, cán bộ CĐCS một số nơi còn mờ nhạt; năng lực thương lượng, đối thoại và tham gia giải quyết các tranh chấp lao động của cán bộ CĐCS còn hạn chế; công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở CĐCS doanh nghiệp còn hạn chế; hoạt động Ban Chấp hành CĐCS một số nơi kém hiệu quả; phong trào thi đua ở một số nơi chưa cụ thể, thiếu tính thiết thực, hiệu quả không cao; công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ CĐCS chưa có nhiều đổi mới; chất lượng đoàn viên và công tác quản lý đoàn viên còn hạn chế; việc đánh giá, xếp loại chất lượng CĐCS một số nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao. 

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng chí Trần Hoàng Vũ – Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh cho biết Ban Thường vụ LĐLĐ Tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-LĐLĐ ngày 28/10/2021 về “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở” trong đó xác định mục tiêu cụ thể đến hết nhiệm kỳ đại hội X Công đoàn Đồng Tháp có 100% doanh nghiệp từ 25 lao động trở lên thành lập CĐCS; có 95% CĐCS khu vực nhà nước và 75% CĐCS khu vực ngoài nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc, ký thỏa ước lao động tập thể, trong đó có 80% bản thỏa ước nội dung có lợi hơn so với luật định cho người lao động (doanh nghiệp đủ điều kiện); hằng năm có 100% CĐCS phát động phong trào thi đua. Để đạt được những chỉ tiêu này, Ban Thường vụ LĐLĐ Tỉnh đã đề ra 03 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:

Một là, nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Đổi mới công tác đào tạo, tập huấn cán bộ công đoàn cơ sở, đảm bảo nội dung, thời gian đào tạo sát thực tiễn công đoàn, phù hợp với từng đối tượng. Nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động trong công tác tham gia, phối hợp giữa LĐLĐ Tỉnh với cấp uỷ địa phương về công tác quy hoạch, điều động, giới thiệu ứng cử chức danh lãnh đạo tại Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế có liên quan đến công tác tổ chức cán bộ của tổ chức Công đoàn, tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình về công tác cán bộ ở từng cấp, từng chức danh, đặc biệt là đội ngũ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đủ năng lực để lãnh đạo, hướng dẫn hoạt động công đoàn cơ sở.

LĐLĐ Tỉnh biểu dương CNVCLĐ tiêu biểu

Hai là, tăng cường sự kết nối, hỗ trợ giữa Công đoàn cấp trên với công đoàn cấp dưới; giữa công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động. Qua đó, để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên; tạo điều kiện để đoàn viên tham gia vào các hoạt động của công đoàn theo hướng dân chủ, công khai và minh bạch; kịp thời hỗ trợ khi CĐCS gặp khó khăn, vướng mắc trên tinh thần công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, cán bộ công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, zalo)  để trao đổi thông tin giữa cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với các Chủ tịch CĐCS và giữa Chủ tịch CĐCS với các Tổ công đoàn, đoàn viên và người lao động.

Ba là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm. Trước hết cần quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khoá XIII), Kết luận số 02/KL-BCH, ngày 17/3/2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII về tiếp tục thực hiện nghị quyết 6a/NQ-TLĐ, ngày 06/11/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn  khóa X về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chấp lượng hoạt động của công đoàn cơ sở”. Xây dựng tổ chức Công đoàn Đồng Tháp vững mạnh toàn diện, có năng lực đại diện bảo vệ, thích ứng, linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hoạt động tại cơ sở phải có trọng tâm, trọng điểm, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nguyện vọng của đoàn viên; tập trung bám sát vào chức năng của tổ chức Công đoàn, nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đẩy mạnh phong trào thi đua trong đoàn viên, người lao động, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chất lượng hội nghị người lao động, thực hiện tốt hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết, đồng chí Trần Hoàng Vũ, Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh nhấn mạnh: “Căn cứ tình hình thực tế địa phương, đơn vị từng cấp công đoàn cần có kế hoạch, chương trình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết ở cấp mình cho phù hợp, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động trong đó lấy nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là trung tâm trong các hoạt động của công đoàn. Đồng thời, định kỳ sơ, tổng kết báo cáo kết quả thực hiện về Liên đoàn Lao động Tỉnh.”

Đức Trung