null Tổ chức Công đoàn Đồng Tháp tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Tổ chức Công đoàn Đồng Tháp tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam

Cách đây 92 năm, ngày 28/7/1929, tại số nhà 15, phố Hàng Nón – Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Công Hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Uỷ viên Ban chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng là Chủ tịch đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đại diện bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, tổ chức, vận động đoàn viên, người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Với những tên gọi khác nhau để phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng như: Công hội đỏ (thời kỳ 1929 – 1935), Nghiệp đoàn ái hữu (1936 – 1939), Hội công nhân phản đế (1939 – 1941), Hội công nhân cứu quốc (1941- 1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946- 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961- 1988) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam đã phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết về tính chất, nhiệm vụ tổ chức Công hội đỏ như sau: “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi của công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hoá, kinh tế thế giới. Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh – sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động”, “Thi đua thực hiện văn hóa công sở và nói không với tiêu cực”…, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động.

Từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Công đoàn Việt Nam luôn luôn là một tổ chức Công đoàn cách mạng, gắn liền lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích toàn dân tộc, đồng hành với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ. Trải qua 92 năm hoạt động, Công đoàn Việt Nam đã đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn mang bản chất giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động và của đất nước. Giai cấp công nhân nước ta đã có những bước phát triển tích cực, mạnh mẽ, đang tăng nhanh về số lượng, ngày càng đa dạng về cơ cấu, đồng thời chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên. Tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm tỉ lệ khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội. Cùng với các giai cấp, giai tầng xã hội khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã có đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

LĐLĐ Đồng Tháp biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu

Cũng như giai cấp công nhân Việt Nam, phong trào công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Đồng Tháp đã hình thành sau 2 cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, xuất phát từ những công nhân, lao động khuân vác, công nhân xây dựng cầu đường, thợ máy, thợ thủ công,… Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công nhân và lao động Đồng Tháp đã sớm được tập hợp trong các tổ chức Công hội đỏ, cùng với nhân dân trong tỉnh đứng lên tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền vào tháng 8 năm 1945.

Là một bộ phận của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh sớm có ý thức giác ngộ cách mạng. Trong 30 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, cùng với sự lớn mạnh dần lên của phong trào Công đoàn tổ chức dưới nhiều hình thức, công nhân lao động Đồng Tháp đã tỏ rõ bản lĩnh kiên cường của giai cấp công nhân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào tháng 5 năm 1975 Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đồng Tháp chính thức được thành lập (nay là Liên đoàn Lao động Tỉnh), đến nay đã trải qua 10 kỳ Đại hội, mỗi Đại hội đều có dấu ấn riêng, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển, định ra phương hướng hành động cho đoàn viên công đoàn trước yêu cầu nhiệm vụ mới.

 Trải qua 46 năm, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Đồng Tháp có những chuyển biến tích cực về tổ chức hoạt động. Tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên. Từ 04 công đoàn cơ sở, với 100 đoàn viên, đến nay đã có 12 Liên đoàn Lao động cấp huyện, thành phố, 03 công đoàn ngành và 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 1.308 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn với 76.608 đoàn viên công đoàn trên 81.883 công nhân, viên chức, lao động. Tổng số cán bộ công đoàn chuyên trách toàn tỉnh là 67 đồng chí, đa số đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc.             

Những năm qua, phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong tỉnh đã có những chuyển biến tốt. Các cấp công đoàn đã tích cực tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Cùng với việc tiếp tục duy trì tổ chức và nâng cao chất lượng các hoạt động, Công đoàn Đồng Tháp đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động như “Tháng Công nhân”, “Tết sum vầy”, “Chương trình phúc lợi đoàn viên” hàng năm đã được Liên đoàn Lao động Tỉnh tổ chức với nhiều hoạt động phong phú chăm lo cho hàng ngàn lượt đoàn viên, người lao động khó khăn. Các phong trào thi đua: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" được cụ thể hóa gắn với thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,“Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đồng Tháp thi đua thực hiện văn hóa công sở và nói không với tiêu cực”, "Thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới"... được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Ngoài việc biểu dương khen thưởng các công nhân có nhiều thành tích xuất sắc, các cấp công đoàn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần công nhân lao động, đặc biệt là công nhân bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động. Việc tương trợ, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn đã trở thành việc làm thường xuyên trong hoạt động của công đoàn các cấp. Công nhân, viên chức, lao động luôn tích cực hưởng ứng các đợt vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Mái ấm công đoàn”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Phòng, chống dịch bệnh Covid-19” với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Công đoàn cũng đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, bổ sung cho Đảng nhiều cán bộ trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

LĐLĐ Đồng Tháp biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu

                Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh – Trần Hoàng Vũ gặp gỡ thăm hỏi công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn của tỉnh Đồng Tháp có những bước đi vững chắc và đúng hướng. Tuy nhiên, với xu thế phát triển chung, nhất là trong quá trình nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, phê chuẩn nhiều công ước cơ bản, tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển sâu rộng… đang tạo ra những cơ hội và thách thức cho tổ chức Công đoàn. Nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn là phải quán triệt sâu sắc các quan điểm, Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới, nhằm thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ để thông qua đó tập hợp, xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngày càng vững mạnh.

Để làm tốt điều đó, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn theo hướng thiết thực hiệu quả; xác định rõ nhiệm vụ của mỗi cấp công đoàn; thiết thực chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút đoàn viên và người lao động; phát huy vai trò tập thể đoàn viên tham gia xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; phát triển kinh tế xã hội góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để mỗi chúng ta ôn lại chặng đường đã qua, tri ân sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh, cống hiến, đóng góp vì quê hương, đất nước và tổ chức Công đoàn. Phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam trong 92 năm, giai cấp công nhân và Công đoàn Đồng Tháp sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức đẩy mạnh công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần đưa Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững.

Đức Trung