null Công đoàn Đồng Tháp 20 năm thực hiện Chương trình “Mái ấm Công đoàn”

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Công đoàn Đồng Tháp 20 năm thực hiện Chương trình “Mái ấm Công đoàn”

Được sự thống nhất của Tỉnh ủy, tháng 6 năm 2001 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Tỉnh đã phát động đóng góp quỹ xây dựng "Nhà tình thương" nay gọi là “Mái ấm công đoàn” cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nghèo trong tỉnh. Cuộc vận động được thực hiện theo phương châm "Huy động sự hỗ trợ của cộng đồng chăm lo cho cá nhân khó khăn". Qua đó, đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng, hàng ngàn ngôi nhà đã được xây dựng, sửa chữa giúp nhiều đoàn viên nghèo, khó khăn được cải thiện về nhà ở, ổn định cuộc sống.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, LĐLĐ Tỉnh đã tích cực chỉ đạo và hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức tuyên truyền, vận động CNVCLĐ đóng góp quỹ với mức ban đầu là 1.000 đồng/người/tháng và tăng dần lên 2.000đ, 3.000đ, 4.000đ, 5.000đ/người/tháng, đến nay là vận động trên tinh thần tự nguyện và theo từng giai đoạn mức hỗ trợ xây dựng nhà cũng được nâng lên cho phù hợp từ 06 triệu đồng/căn xây mới (năm 2001), hiện nay là 40 triệu đồng/căn xây mới và 10 triệu đồng/căn sửa chữa. Căn cứ quy chế của Chương trình, các cấp công đoàn triển khai khảo sát nhu cầu thực tế về nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động để kịp th ời hỗ trợ những trường hợp khó khăn về nhà ở. Để bảo đảm cho việc sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích, sau khi có quyết định hỗ trợ của Ban Thường vụ LĐLĐ Tỉnh, các cấp công đoàn triển khai cho các đối tượng thụ hưởng để tiến hành thực hiện xây dựng nhà bằng nguồn vốn đối ứng của mình, đồng thời có sự giám sát của công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để căn nhà xây dựng đảm bảo đúng quy định. Qua kiểm tra, giám sát hầu hết các đối tượng được hỗ trợ tiền đều thực hiện đúng theo quy chế. Trong quá trình thực hiện, LĐLĐ Tỉnh đã nghiên cứu thay đổi quy chế hỗ trợ nhà cho phù hợp với tình hình thực tế đời sống đoàn viên, người lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp công đoàn triển khai vận động, huy động được mọi nguồn lực để xây dựng nhà "Mái ấm công đoàn".

Qua 20 năm (2001-2021) triển khai thực hiện Chương trình, nguồn vận động từ các cấp công đoàn và tiền lãi phát sinh với tổng số tiền 49,005 tỷ đồng, Ban Thường vụ LĐLĐ Tỉnh đã quyết định hỗ trợ xây dựng 2.425 căn nhà, sửa chữa 193 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn. Ngoài Chương trình, các cấp công đoàn đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp trực tiếp cho các đối tượng, số tiền gần 05 tỷ đồng để xây dựng 118 căn nhà tình đồng nghiệp, nhà ở công nhân, nhà tình thương cho công nhân nghèo, nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Đ/c Trần Hoàng Vũ, Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh trao hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn năm 2021

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có nhiều giải pháp tích cực, 20 năm qua nhiều đơn vị đã thực hiện tốt Chương trình, điển hình như: Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn Viên chức Tỉnh; các Liên đoàn Lao động: Thành phố Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò, huyện Tân Hồng; các công đoàn cơ sở: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO, Điện lực Đồng Tháp, Viễn Thông Đồng Tháp. Hàng năm, Liên đoàn Lao động Tỉnh cũng xét khen thưởng động viên những đơn vị có đóng góp tích cực trong việc vận động thu và thực hiện Chương trình. Riêng giai đoạn 2001-2021, Liên đoàn Lao động Tỉnh đã xét khen thưởng cho 16 tập thể, 17 cá nhân, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên không tổ chức hội nghị để tổng kết và trao thưởng.

Là đơn vị nhiều năm triển khai tốt Chương trình “Mái ấm công đoàn”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồng Ngự - Trương Thị Bé Sáu chia sẻ: “Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Tỉnh, hàng năm Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động đến từng công đoàn cơ sở, đồng thời họp bàn thống nhất các biện pháp vận động, chọn thời gian thời gian phù hợp. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố cũng phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách địa bàn cùng CĐCS đi khảo sát, điều tra, thống kê đánh giá tình hình nhà ở của đoàn viên để có kế hoạch xét hỗ trợ đúng đối tượng. Cùng với đó, phối hợp với các ngành trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của địa phương, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ mạnh thường quân, đơn vị, doanh nghiệp. Thời gian qua, đơn vị đã vận động đóng góp được 971 triệu đồng, xây dựng, sửa chữa 56 căn nhà cho đoàn viên khó khăn”.

Cầm trên tay quyết định hỗ trợ “Mái ấm công đoàn”, anh Nguyễn Văn Hòa - đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II thấy hạnh phúc và xúc động vì mơ ước có được ngôi nhà mới của hai vợ chồng giờ đã thành hiện thực. Anh Hòa chia sẻ: “Trước đây, gia đình sống trong ngôi nhà nhỏ, nền đất ẩm thấp, không có chỗ để các con học tập. Cha mẹ cho một nền nhà nhưng không có tiền để xây. Khi nghe tin được chương trình “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ xây dựng nhà chúng tôi rất mừng. Nếu không có công đoàn hỗ trợ, tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện xây nhà”. Đây là một trong số hàng ngàn đoàn viên được công đoàn hỗ trợ có chung niềm vui, phấn khởi như vậy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình “Mái ấm công đoàn” thời gian qua cũng còn một số khó khăn, hạn chế: Một số CĐCS doanh nghiệp chưa tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đến công nhân lao động; địa phương chưa có quỹ đất ưu đãi cho CNVCLĐ nghèo nên chỉ có đối tượng có đất mới hưởng được hỗ trợ của Chương trình; trượt giá vật tư, vật liệu cao ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà.

Đồng chí Trần Hoàng Vũ, Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh cho biết: “Qua 20 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mái ấm công đoàn”, tuy chưa đáp ứng được hết nhu cầu của CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, nhưng phần nào đã thực hiện tốt công tác chăm lo cải thiện nhà ở, nâng cao đời sống cho CNVCLĐ nghèo trong tỉnh. Việc vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Mái ấm công đoàn” đã trở thành phong trào rộng khắp và tự nguyện của đông đảo CNVCLĐ, tạo sự gắn bó giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn, đồng thời Chương trình đã có tác động tích cực đến các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng nhà ở cho người lao động tại doanh nghiệp, góp phần giảm bớt khó khăn cho CNVCLĐ mang lại hiệu quả và ý nghĩa to lớn trong cộng đồng và xã hội. Thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ Tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình một cách hiệu quả, làm tốt công tác điều tra, khảo sát các trường hợp đề nghị hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà đúng theo quy định; đồng thời tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình, vận động sâu rộng trong đoàn viên, người lao động, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực hỗ trợ để ngày càng có thêm nhiều "Mái ấm Công đoàn" được trao tặng, tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động nghèo vươn lên trong cuộc sống".

Đ.T